Chương trình đào tạo chuyên ngành Marketing phần lớn dựa vào chương
trình của nước ngoài; Đội ngũ giảng viên chuyên ngành marketing yếu về
trình độ và thiếu về số lượng, giảng dạy vẫn theo kiểu thầy đọc, trò
chép.
Đó là những ý kiến đưa ra của nhiều GS.TS tại Hội thảo Quốc gia
“
Đào tạo Marketing theo nhu cầu xã hội ở Việt Nam” tổ chức tại trường ĐH
Kinh tế quốc dân.
Ngành khoa học Marketing được đào tạo đầu tiên ở
trường ĐH Kinh tế quốc dân vào năm 1990, đến nay cả nước có 14 cơ sở
đại học, cao đẳng có đào tạo ngành Marketing. Bộ GD-ĐT cũng khẳng định
ngành Marketing không còn là một chuyên ngành nhỏ trong ngành Quản trị
kinh doanh nữa mà nó được xem là một trong những ngành đào tạo cơ bản
giúp gắn kết đào tạo với nhu cầu xã hội và số trường đào tạo ngành này
sẽ tăng lên bởi cán bộ ngành marketing hiện nay mới chỉ đáp ứng được
chưa đầy 30% nhu cầu của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực trạng
đào tạo ngành marketing đang rơi vào “khủng hoảng” số lượng giáo viên
vừa thiếu vừa yếu. Nội dung các môn học trong chương trình đào tạo ngành
marketing đều được biên soạn từ các giáo trình tài liệu của nước ngoài
chưa phù hợp với thực tiễn kinh doanh ở Việt Nam dẫn đến nhiều sinh viên
tốt nghiệp ngành này ra trường vẫn chưa định hướng được sẽ làm như thế
nào?.
Thí sinh dự thi vào đại học năm 2011
Nhiều môn học chưa có giáo trình chính
Trường
ĐH Kinh tế quốc dân, trường ĐH Thương mại, Trường ĐH Tài chính
marketing, trường ĐH Kinh tế TP.HCM và trường ĐH Kinh tế & Quản trị
kinh doanh thuộc ĐH Thái Nguyên được biết đến như là cái nôi
đào tạo
chuyên ngành marketing. Các cơ sở này đã tự chủ được về đội ngũ cán bộ
giảng viên cho chuyên ngành, học liệu đầy đủ.
Tuy nhiên, Tiến sĩ
Phạm Công Toàn, trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh – ĐH Thái
Nguyên cho biết: ”xem xét một cách tổng quát, các cơ sở đào tạo này mới
chỉ hoàn thành được chức năng về giáo dục chứ chưa thực hiện được tốt
chức năng về đào tạo. Điều đó có nghĩa là chỉ truyền bá được kiến thức
về marketing. Bằng chứng cho thấy, sinh viên chuyên ngành marketing ra
trường khá yếu về kỹ năng marketing. Cử nhân đào tạo về marketing tỏ ra
lúng túng, không rõ định hướng và nội dung công việc cần thực hiện khi
chủ doanh nghiệp giao nhiệm vụ liên quan đến marketing. Điều này dẫn đến
sự đánh giá ngược lại từ phía các cơ sở sử dụng lao động rằng các Nhà
trường chỉ đào tạo lý thuyết xáo rỗng, từ đó hình thành nên việc mất
niềm tin vào hoạt động giáo dục đào tạo, mất niềm tin về sinh viên
chuyên ngành marketing được đào tạo trong nhà trường”.
GS.TS Trần
Minh Đạo, trường ĐH Kinh tế quốc dân thẳng thắn thừa nhận: “Vẫn còn một
số môn học không mới nhưng giáo trình và tài liệu phục vụ cho nghiên
cứu không nhiều, ảnh hưởng rất lớn tới khả năng tiếp nhận kiến thức của
sinh viên cũng như điều kiện tiếp cận môn học đó của các giáo viên mới.
Điển hình là các môn học như Quản trị Thương hiệu, Quản trị giá,
Marketing dịch vụ, Quản trị bán hàng, marketing công nghiệp… những môn
học đã được đưa vào đào tạo từ rất lâu nhưng vẫn chỉ có các tài liệu
tham khảo chứ chưa hề có một cuốn giáo trình được coi là kim chỉ nam cho
giảng dạy và học tập các môn học đó”.
Giảng viên vừa thiếu, vừa yếu
Về
đội ngũ giảng viên chuyên ngành marketing, TS. Trịnh Thùy Anh, Phó
Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, trường ĐH Mở TP.HCM cho hay: “Đội ngũ
giảng viên marketing tại các trường còn yếu về trình độ và thiếu về số
lượng. Về trình độ giảng viên, có thể thấy học vị tiến sĩ là chỉ tiêu
đánh giá cơ bản về trình độ của giảng viên đại học thì hiện nay số lượng
giảng viên marketing có học vị này còn quá thấp so với khu vực ASEAN…
nhiều giảng viên dạy quá nhiều nên không còn nhiệt tình với sinh viên,
giảng dạy kém chất lượng, thậm chí không hoàn thành đúng trách nhiệm của
mình”.
TS. Trịnh Thùy Anh cho rằng: “Chính sách đãi ngộ, khuyến
khích mang tính phong trào, thiếu thực chất nên khó có thể làm thay đổi
sức ì hiện nay của đội ngũ giảng viên trong bối cảnh yêu cầu về đổi mới
phương pháp hay chất lượng đào tạo đang ngày càng gay gắt và cần thiết”.
GS.TS
Trần Minh Đạo tiếp tục nhận xét một cách thẳng thắn: “Do yêu cầu giảng
dạy các môn học marketing đòi hỏi không chỉ nỗ lực mà còn là khả năng,
là nhiệt huyết và thậm chí cả năng khiếu trong việc đưa ra những tình
hướng thực tế mang hơi thở thị trường vào giảng dạy. Yêu cầu này không
dễ đạt được, đặc biệt khi số lượng giảng dạy quá nhiều, tài liệu tham
khảo ít. Bên cạnh đó, phương pháp đọc chép vẫn còn tồn tại trong giảng
dạy một số môn học quan trọng nên chưa phát huy được khả năng hợp tác
của sinh viên. Những bài học đơn điệu, thiếu hơi thở của thời đại cùng
với phong cách giảng thiếu sức sống của một bộ phận giảng viên đã và
đang làm cho hiệu quả đào tạo trở nên có vấn đề. Điều này đã làm cho
nhiều sinh viên có cảm giác không hài lòng với chất lượng đào tạo, làm
ảnh hưởng tới chất lượng sinh viên tốt nghiệp nên kéo theo hệ quả là
việc tuyển sinh cho ngành này không dễ dàng”.
Anh Nguyễn Việt
Hưng, giám đốc Công ty Golden Key, là cựu sinh viên chuyên ngành
marketing khi ra trường vẫn chưa hình dung được công việc mình ra sao và
không thể nào xác định cho mình một hướng đi rõ ràng.
“Những kỹ
năng lẽ ra cần thiết cho một cán bộ marketing nhưng tôi chưa được đào
tạo và tôi đã phải lăn lộn rất nhiều trong thực tế mới thành công được.
Đó là các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán cũng như các công tác liên
quan tới hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, đặc biệt khi giao dịch
với khách hàng quốc tế” – Anh Nguyễn Việt Hưng cho hay.
Tại hội
thảo, nhiều ý kiến của giảng viên đã đề xuất nhiều giải pháp góp phần
hạn chế khoảng cách giữa giáo dục đào tạo và nhu cầu xã hội về chuyên
gia marketing là phải cải tiến chương trình nên bớt các môn lý thuyết và
đa số các môn cần phân bổ thời gian cho thực hành; thay đổi phương pháp
giảng dạy; Nâng cao trình độ và khả năng cho cán bộ giảng dạy; Hoàn
thiện hệ thống giáo trình, bài giảng và tài liệu tham khảo; Thay đổi
phương thức tuyển sinh; Xây dựng chuẩn đầu ra làm căn cứ đánh giá chất
lượng đào tạo.
Hồng Hạnh